Nguồn doanhnghiepvn.vn

(DNVN) – Nói về vai trò của việc ra đời Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, nếu Luật được Quốc hội thông qua, đây là món quà quý dành cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng.

Dòng sự kiện:

Góp ý Dự thảo Luật DNNVV

Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhằm tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Về vấn đề này, các chuyên gia kinh tế cho rằng nếu chỉ đơn thuần chạy theo số lượng thì mục tiêu nói trên là khả thi, tuy nhiên điều quan trọng là tỉ lệ doanh nghiệp hoạt động ổn định sau thành lập.

Theo số liệu mới nhất, tính riêng 4 tháng đầu năm 2017, số doanh nghiệp “giã từ” thị trường là 27.400, tăng 9% so với cùng kỳ 2016. Điều này đặt ra nghi ngại về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có lẽ chưa như kỳ vọng?

Trước bối cảnh đó, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa rất mong đợi những chính sách mới sẽ tác động, hỗ trợ nhiều hơn nữa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ, trong đó đáng chú ý là Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội XIV vào ngày 12/6 tới đây.

Nhằm làm rõ hơn về Dự thảo đang được dư luận hết sức quan tâm này, tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Doanh nghiệp được hưởng gì từ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa” diễn ra sáng 6/6, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, nếu Luật được Quốc hội thông qua lần này thì đây là món quà quý dành cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông.

Theo Thứ trưởng, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã xác định được phạm vi hỗ trợ, nhóm đối tượng hỗ trợ. Theo đó, sẽ hỗ trợ những dịch vụ cơ bản mà doanh nghiệp nào cũng cần và tập trung hỗ trợ cho số đông, số lớn doanh nghiệp. Các nội dung hỗ trợ đảm bảo định hướng doanh nghiệp phát triển theo chủ trương phát triển của Chính phủ cũng như của đất nước trong từng thời kỳ, từng giai đoạn.

Cụ thể, gồm có 3 chương trình: Hỗ trợ doanh nghiệp mới chuyển đổi từ hộ gia đình; hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, kiến tạo; hỗ trợ phát triển cụm liên kết ngành, bám theo những sản phẩm chủ lực, tạo quỹ giá trị bền vững cho sản phẩm đó tồn tại trên thị trường.

Cũng theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, trong quá trình xây dựng Luật, ban soạn thảo đã đi từ những nhu cầu trực tiếp của doanh, phân tích những cái yếu, cái thiếu, cái kém của họ để hỗ trợ. Ông cũng khẳng định, không có chuyện mang “tiền tươi” cho một doanh nghiệp cụ thể nào.

“Trong quá trình góp ý cho dự thảo Luật, nhiều người đã hiểu sai ý nghĩa của việc hỗ trợ là “tiền ở đâu ra để đưa trực tiếp cho doanh nghiệp, bởi có tới 97% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Đông nói.

Cũng theo Thứ trưởng, Dự thảo Luật hướng đến việc tạo điều kiện để tồn tại những nhóm hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng cách cung cấp thông tin, phân tích thị trường, chiến lược… chứ không phải cứ cung cấp tiền cho doanh nghiệp.

“Ví dụ như vải thiều Lục Ngạn, rất nhiều người dân trồng, nhưng họ không xác định được thị trường muốn gì, thị hiếu ra sao. Vì thế Nhà nước sẽ tạo điều kiện củng cố chuỗi giá trị của liên kết ngành bao quanh quả vải. Chính quyền sẽ đi khảo sát các nước về thị hiếu để về tư vấn cho dân”, Thứ trưởng nói.