Mỗi khi tháng Mân Côi về, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm hình ảnh của Đức Trinh nữ Maria, và cùng với Đức Trinh nữ suy gẫm cuộc đời Đấng Cứu thế. Hai mươi mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng của kinh Mân Côi giúp chúng ta theo Chúa và chuyên tâm thực hành những gì Người dạy.

Tòa Giám mục Hải Phòng
46 Hoàng Văn Thụ, Hải Phòng
 

THƯ MỤC VỤ GIÁO PHẬN HẢI PHÒNG
               Tháng Mân Côi – năm 2018

 
 
Kính gửi các Cha, các Tu sĩ, các chủng sinh,
các Ban Hành giáo và Anh Chị Em tín hữu,
 
Mỗi khi tháng Mân Côi về, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm hình ảnh của Đức Trinh nữ Maria, và cùng với Đức Trinh nữ suy gẫm cuộc đời Đấng Cứu thế. Hai mươi mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng của kinh Mân Côi giúp chúng ta theo Chúa và chuyên tâm thực hành những gì Người dạy. Với lời thưa “xin vâng” trong ngày Truyền tin, Đức Trinh nữ Maria đã suốt đời trung thành với Chúa, kể cả khi gian nan đau khổ. Giáo Hội đã khởi đi từ hình ảnh Đức Mẹ dưới chân thập giá để tôn vinh Mẹ là “Nữ Vương các Thánh Tử đạo”.
 
Như các Cha và Anh Chị Em đã biết, Giáo Hội Công giáo Việt Nam đang cử hành Năm Thánh, kỷ niệm 30 năm tuyên phong các Thánh Tử đạo Việt Nam. Các Ngài là niềm vinh dự tự hào của Giáo Hội Việt Nam, một Giáo Hội sinh ra trong đau thương và lớn lên trong bách hại. Năm Thánh nhắc nhở chúng ta hãy noi gương các Thánh Tử đạo, sống đức tin và trung thành với Chúa giữa biết bao biến động của cuộc đời. Qua chứng từ đức tin được thể hiện bằng việc hy sinh mạng sống, các Thánh Tử đạo đã nên giống Chúa Giêsu tử nạn và phục sinh. Khi suy niệm kinh Mân Côi, chúng ta thấy Đức Mẹ luôn hiện diện bên Con của mình, vừa để đồng hành với Chúa trong yêu thương, vừa để hiệp thông với Chúa trong đau khổ. Vào lúc Chúa Giêsu hấp hối, Đức Mẹ đã can đảm đứng bên thập giá, cùng với Chúa Giêsu hiến dâng hy lễ là chính bản thân Người để xin ơn Cứu độ cho trần gian. Cũng chính trong giờ phút đau thương này, Chúa Giêsu phó thác Đức Mẹ cho Thánh Gioan, và Người cũng phó thác Thánh Gioan cho Đức Mẹ. Qua cử chỉ này, Chúa Giêsu muốn đặt Đức Mẹ là Hiền Mẫu của nhân loại, cách riêng của các tín hữu, là những môn đệ Chúa Giêsu.
 
Cũng như Đức Mẹ đồng hành với Đức Giêsu trên con đường thập giá năm xưa, ngày hôm nay, Đức Mẹ vẫn luôn nâng đỡ chúng ta với tình mẫu tử thân thương. Khi đọc kinh Mân Côi, chúng ta hãy xin Đức Mẹ lau khô giọt lệ nơi khóe mắt những người đau khổ, thêm sức cho những ai đang quỵ ngã dưới gánh nặng của cuộc đời, soi sáng cho những ai đang lầm lạc, ban niềm hy vọng cho những ai đang bi quan chán nản, hòa giải những ai đang sống trong hận thù, để họ biết bao dung tha thứ. Được Đức Mẹ cầu bầu nâng đỡ, chắc chắn gánh nặng cuộc đời của chúng ta sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.
 
Để sống tinh thần của Năm Thánh kỷ niệm 30 năm tuyên phong các Thánh Tử đạo Việt Nam, Hội đồng Giám mục kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa, hãy sống chứng nhân cụ thể trong đời sống hằng ngày. Khi phải đối diện với khó khăn thử thách, các Thánh Tử đạo luôn kiên trung, thà chết không thà bỏ Đạo. Để sống đức tin trong bối cảnh xã hội hiện nay, đôi khi chúng ta phải chấp nhận những thiệt thòi trong cuộc sống. Khi xung quanh chúng ta có những quan niệm sống dễ dãi, buông thả, gian dối, người Công giáo cần trung thành với luật của Thiên Chúa và luật Giáo Hội, lắng nghe tiếng nói của lương tâm để nên hoàn thiện theo tinh thần Tin Mừng. Đàng khác, những thực hành đạo đức như tham dự Thánh lễ, cầu nguyện và lãnh nhận các Bí tích cũng đòi hỏi chúng ta phải hy sinh cố gắng. Thiện chí sống tốt lành ngay thẳng, chuyên tâm chu toàn những thực hành đạo đức, nhiệt thành trong những nghĩa cử bác ái, đó chính là sống tinh thần tử đạo trong cuộc sống hôm nay.
 
Khi đọc tiểu sử các Thánh Tử đạo Việt Nam, chúng ta thấy các Ngài là những người yêu Dân tộc Việt Nam, luôn mong muốn những điều tốt đẹp cho đất nước và Quê hương. Sống tinh thần tử đạo hôm nay cũng là góp phần dựng xây một xã hội lành mạnh, công bằng và nhân ái. Qua những cố gắng này, chúng ta làm chứng cho Tin Mừng, đồng thời giới thiệu hình ảnh một Giáo Hội gắn bó với vận mệnh Quê hương, dấn thân phục vụ đồng bào, noi gương Đức Giêsu, Đấng đến trần gian để phục vụ con người.
 
Thưa các Cha và Anh Chị Em,
 
Giáo phận chúng ta đang chuẩn bị tổ chức Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh miền Bắc. Trong những ngày này, Thánh giá giới trẻ được rước đến từng Giáo Hạt trong Giáo phận. Đây là điểm nhấn quan trọng trong đời sống đức tin của gia đình Giáo phận nói chung và của các bạn trẻ nói riêng. Thánh giá Chúa Giêsu là biểu tượng của hy vọng, của hy sinh và của tình yêu thương. Cùng với việc tổ chức rước Thánh giá, các bạn trẻ được mời gọi học hỏi Giáo lý để trưởng thành đức tin và sống đức tin trong mọi môi trường của cuộc sống. Đại hội Giới trẻ sẽ được tổ chức vào ngày 14 và 15 tháng 11 năm nay. Ngay bây giờ, chúng ta hãy cầu nguyện cho Đại hội. Xin cho các bạn trẻ từ 10 Giáo phận về tham dự Đại hội, đón nhận được nhiều ơn Chúa, vững vàng trong đức tin, đức cậy, đức mến. Chúng ta hãy xin ba vị Bổn mạng của Đại hội, là Thánh Gioan Phaolô II, Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu và Chân phước Anrê Phú Yên cầu bầu cho sự thành công và hiệu quả thiêng liêng của Đại hội.
 
Mẹ Maria là gương mẫu cho chúng ta trong đời sống đức tin. Chúng ta hãy tôn vinh Đức Mẹ và xin Mẹ luôn phù trợ chúng ta. Trong bài giảng lễ kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, cũng là ngày Thế giới cầu cho hòa bình, ngày 1-1-2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: Tôn kính Mẹ Maria là một đòi hỏi của đời sống Kitô Giáo… Nếu không muốn niềm tin của chúng ta bị giảm xuống thuần túy là một ý tưởng hay một giáo thuyết, thì tất cả chúng ta đều cần trái tim của một người mẹ, một trái tim biết cách giữ tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa và cảm nhận được nhịp đập con tim của tất cả mọi người xung quanh chúng ta. Xin Mẹ, thọ tạo tuyệt vời nhất của Thiên Chúa, bảo vệ, giữ gìn  và đem bình an của Con Mẹ cho tâm hồn chúng ta và cho thế giới”.
 
Nhờ lời cầu bầu của Mẹ Maria – Nữ Vương rất thánh Mân Côi –  và các Thánh Tử đạo Việt Nam, xin Chúa chúc lành cho các Cha và Anh Chị Em.
 

Hải Phòng, ngày 1 tháng 10 năm 2018

+Giuse Vũ Văn Thiên,Giám mục Hải Phòng.

Nguồn: http://gphaiphong.org